VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Điều kiện tự nhiên
Kon Tum là tỉnh ở phía
bắc cao nguyên Gia Lai - Kon Tum, một trong 3 cao nguyên lớn của Tây Nguyên.
Kon Tum có chiều dài biên giới 275km, tiếp giáp với hạ Lào và bắc Căm-pu-chia
về phía tây, phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía
nam giáp tỉnh Gia Lai.
Phần lớn lãnh thổ Kon
Tum có địa hình thấp dần từ tây sang đông và từ bắc xuống nam. Vùng phía bắc
tỉnh có dãy núi Hoa Cương cao nhất miền Nam; đỉnh Ngok Linh 2.598m, đỉnh Ngọc
Phan 2.251m. Đây là nơi bắt nguồn của các sông Tranh, sông Thu Bồn, sông Trà
Khúc, sông Ba. Kon Tum có trên 50% diện tích là rừng với các khu rừng nguyên
sinh nơi có các loại gỗ quí, các lâm đặc sản và chim thú quí hiếm. Ngoài ra,
Kon Tum còn có vùng đất bazan thích hợp với các cây công nghiệp như cao su, cà
phê, chè, mía, dâu tằm... và các đồng cỏ thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại
gia súc.
Kon Tum có khí hậu cao
nguyên nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm 23,4ºC, lượng mưa trung bình
năm 1.884mm. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4
năm sau.
Tiềm năng phát triển
du lịch
MỘT GÓC SÔNG DAKBLA
Thành phố Kon Tum được
xây bên bờ sông Đắk Bla, một nhánh của sông Pơ Kô, giữa một đồng bằng nhỏ cao
525m. Đây là trung tâm hành chính cũ của Pháp ở Tây Nguyên. Các cố đạo Pháp đã
đến đây từ năm 1851.
Du khách đến Kon Tum
sẽ có dịp đi thăm nhiều cảnh đẹp của vùng núi rừng Tây Nguyên như núi Ngok
Linh, khu rừng nguyên sinh Chư Môn Ray, Sa Thầy, khu du lịch Đắk Tre ở huyện
Kon Plông, suối nước nóng Đắk Tô. Ngoài ra còn có nhà tù Kon Tum, ngục Đắk
GLei, đường mòn Hồ Chí Minh, chiến trường Đắk Tô - Tân Cảnh, nơi đã ghi lại
chiến tích hào hùng và vẻ vang của dân tộc.
Dân tộc, tôn giáo
NHÀ THỜ GỖ
Là tỉnh hiện có hơn 20
dân tộc sinh sống, 51% dân số của tỉnh là đồng bào dân tộc ít người, nhiều nhất
là Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Gia Rai, B' Râu, Rơ Mân... Phần lớn các dân tộc
thiểu số sống bằng nghề làm nương rẫy và săn bắn. Kon Tum có một nền văn hóa đa
dạng, nhiều màu sắc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Cuộc sống buôn làng
của đồng bào các dân tộc với những phong tục tập quán riêng biệt, nhiều lễ hội
truyền thống đặc sắc như: lễ hội cồng chiêng, lễ đâm trâu, bỏ mả, mừng lúa
mới...
TƯỢNG QUAN ÂM - CHÙA KHÁNH LÂM , MĂNG ĐEN
Kon Tum có một số chùa
chiền, chủng viện, nhà thờ gỗ, được xây dựng từ lâu đời bên cạnh nhà rông
truyền thống có lối kiến trúc độc đáo... Đến đây du khách sẽ thấy được sự hấp
dẫn của một nền văn hóa Tây Nguyên, của các cảnh quan kỳ thú.
Giao thông
Thành phố Kon Tum cách
Buôn Ma Thuột 246km, cách Quy Nhơn 215km
và cách Pleiku 49km. Đường quốc lộ 14 chạy dài từ tây Quảng Nam qua thị xã Kon
Tum đi xuống Gia Lai - Đắk Lắk – Tp. Hồ Chí Minh; quốc lộ 24 nối Kon Tum với
Quảng Ngãi.
Theo www.vietnamtourism.com