Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015



  XẺ DỌC TRƯỜNG SƠN
                                                       TRÍCH ĐOẠN BÀI VIẾT CỦA TẠ VĂN SĨ.

         ……  Xe bò lên đỉnh Lò Xo. Đến cầu Đắk Chè, chúng tôi phải dừng lại chụp hình, vì ở đây đẹp quá. Thác Đắk Chè từ trong ruột núi cheo leo trào ra đổ ào xuống ngang đường một dòng nước mát trong lành, bọt tung cười trắng xoá. Nước chui qua cầu rồi dội tiếp mấy tầng xuống sâu hun hút phía dưới xa kia. Đúng là cảnh: -"Đường lên Đắk Xút, Đắk Pao/ Đèo leo ngọn thác, cầu treo mặt ghềnh". Có thể câu thơ này ngày xưa Tố Hữu đã viết ngay chính nơi đây?
                                                    THÁC DAK CHÈ
          Rời thác Đắk Chè, chúng tôi lại thêm một thú vị khác khi gặp cầu Đắk Zôn.  Cầu Đắk Zôn nằm dưới chân đèo Lò Xo về phía bắc, là điểm phân ranh giữa hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, đồng thời cũng là nơi giao thoa giữa hai vùng khí hậu Đông và Tây Trường Sơn. Cầu dài 123 mét, gồm 5 nhịp bẻ cong một vòng cung bán nguyệt, được thiết kế theo kết cấu bê-tông dự ứng lực. Khách du đi bắc về nam trên cung đường này chắc chắn sẽ thích thú khi bất ngờ bắt gặp một chiếc cầu con con bắt qua khe núi hiểm trở cong cong như nửa vành trăng khuyết. Có phải khi thiết kế, các kỹ sư cầu đường của chúng ta có ý nghĩ thâm thúy và đầy lãng mạn rằng sẽ lấy đó làm điểm nhấn chỗ phân ranh đông tây Trường Sơn và là quà tặng mĩ quan cho khách đi vạn dặm? Cầu Đắk Zôn, thác Đắk Chè, đèo Lò Xo, dốc Cổng Trời, núi Tráng Sĩ, ngục Tố Hữu... sẽ tạo thế liên hoàn cho một khu tham quan du lịch sinh thái trong tương lai.

              …………….
                                                                  THÁC DAK CHÈ
                                                   CẦU DAK CHÈ

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Xu hướng lựa chọn và tự chế biến các đồ uống từ những cây cỏ quanh nhà, quanh vườn để làm nước giải khát vẫn còn khá nhiều người ưa chuộng.
Vào những ngày hè nóng nực, nhu cầu về nước uống của cơ thể là rất lớn. Thật khó có thể kể hết các loại nước giải khát mang tính công nghiệp đang lưu hành trên thị trường hiện nay, nhưng xu hướng lựa chọn và tự chế biến các đồ uống từ những cây cỏ quanh nhà, quanh vườn theo kinh nghiệm dân gian vẫn còn khá nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là ở nông thôn.
Có thể kể ra những thứ thông dụng như nước trà xanh, nước nụ hoặc lá vối, nước nhân trần, nước la hán, nước chó đẻ răng cưa, nước rau má, nước chè vằng, nước mía, nước cỏ ngọt, nước râu ngô, nước cúc hoa, nước hoa hòe, nước quả dứa dại, nước mạch môn, nước đậu đen sao cháy, nước khổ qua, nước bí đao... Người ta có thể dùng độc vị hoặc có thể dùng một vài vị phối hợp với nhau để tạo nên những thứ nước giải khát thơm ngon, dễ uống và làm tăng hiệu quả thanh nhiệt, giải độc, mát gan như hoa hòe với cúc hoa, đậu đen với mạch môn, nụ vối với la hán, râu ngô với quả dứa dại...

NƯỚC HOA CÚC

 NƯỚC ĐẬU ĐEN.
Nhìn chung, các loại nước giải khát này đều không độc hại vì chúng được chế biến từ những cây cỏ mang tính thức ăn - vị thuốc và đã được sử dụng trong đời sống từ rất lâu đời. Theo dược học cổ truyền, tất cả các loại nước giải khát này đều có công dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ khát, thường được dùng để phòng ngừa và giải trừ tình trạng “tích nhiệt” trong cơ thể.
Theo nghiên cứu hiện đại, các cây cỏ này đều có tác dụng giải nhiệt, kháng khuẩn, tiêu viêm ở các mức độ khác nhau. Ngoài ra, tùy từng loại còn có các tác dụng riêng biệt như trà hoa cúc làm hạ huyết áp, nước hoa hòe làm bền vững thành mạch máu, nước râu ngô và dứa dại lợi tiểu và làm tan sỏi đường tiết niệu, nước mạch môn, rau má và đậu đen bảo hộ tế bào gan, nước nụ vối kích thích tiêu hóa... Tuy nhiên, dù là thực phẩm đi nữa khi sử dụng các loại nước giải khát, thanh nhiệt này cũng cần phải chú ý một số vấn đề sau đây:
- Trước hết, liều lượng cần vừa phải, tránh lạm dụng quá mức, đặc biệt đối với trẻ em, người già và những người tỳ vị hư yếu dễ bị lạnh bụng, đi lỏng. Nếu có dùng cam thảo để tạo nên vị ngọt, dễ uống và điều hòa thì tuyệt đối không dùng quá nhiều, thông thường mỗi ấm trà chỉ cho vài ba lát là dược.
- Sau những bữa ăn có nhiều đồ sống lạnh thì nên giảm lượng các loại nước uống này để tránh gây rối loạn tiêu hóa.
- Khi chọn mua các cây cỏ này ở dạng khô thì phải tránh thứ bị ẩm mốc và đã để quá lâu, không còn hoạt chất có lợi. Tốt nhất là nên mua đồ tươi về nấu nước uống hoặc phơi sấy khô, bảo quản cẩn thận để dùng dần.
- Không nên uống các loại nước này quá nhiều vào buổi tối.
Có thể nói, dùng cây cỏ làm nước giải khát theo kinh nghiệm dân gian là một thói quen tốt và đáng khích lệ vì loại đồ uống này rất có lợi cho sức khỏe, không chứa hóa chất độc hại, không có của rởm, rẻ tiền và lại được cơ thể dễ chấp nhận.
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn