Ký ức về hoa dâm bụt!
Bài, ảnh: Nhất Huỳnh
Sự kiện: Hương quê
(Dân Việt) Chẳng biết tự bao giờ, ở quê tôi khi dựng nhà, dựng cửa xong xuôi, bà con thường trồng cây dâm bụt (bông bụt) để làm hàng rào quanh nhà. Hàng rào này với những bông hoa đỏ tươi lung linh như chiếc đèn lồng nổi bật trên nền lá xanh mơn mởn đã trở thành kỉ niệm đẹp, khó phai nhòa trong tâm trí của người dân quê tôi.
Bông bụt là loại cây dân dã, mộc mạc, dễ trồng, không cần chăm sóc nhiều, chỉ cần cắm cành nơi đất ẩm là đâm chồi, nẩy lá. Và cách người dân quê tôi trồng bông bụt làm hàng rào cũng rất độc đáo, thể hiện tình đoàn kết xóm giềng và sức sống mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh của loài cây này.
Thông thường, người ta sẽ chờ khi nhà hàng xóm cắt tỉa bông bụt thì sẽ qua xin những cành non ấy, nếu không đủ thì mới xin thêm cành già hơn. Mang về nhà, hai ba người xúm xít lại dùng dao chặt những cây, cành ấy thành những đoạn ngắn cỡ gang tay. Đặc biệt khi chặt, phải vạt nhọn hai đầu chứ không tề bằng vì theo kinh nghiệm khi găm xuống đất thì những cành đó bắt rễ nhanh hơn, mau tươi tốt hơn. Sau khi găm xuống đất, chỉ độ một hai tuần là chúng nhanh chóng đâm chồi nảy lộc và từ đó bất chấp mưa nắng hay gió bão, bông bụp vẫn vươn lên xanh tốt thành hàng rào giản đơn, mộc mạc, đậm dấu ấn riêng.
Hàng rào dâm bụt xanh mởn, mộc mạc chốn quê nhà (Ảnh: Nhất Huỳnh)
Những ngày còn bé, tôi thích nhất là lẽo đẽo theo sau xem cha tôi tỉa cắt hàng rào bông bụt. Nhìn cha tôi mồ hôi nhễ nhại, cẩn thận, nhẹ nhàng tỉa cắt, tôi buộc miệng hỏi: “Cha ơi! Sao không để hàng rào cao thiệt cao mà lại cắt nó xuống vậy cha?”. Cha tôi cười hiền lành, trìu mến nhìn tôi: “Từ hồi cha còn nhỏ, ông nội đã dặn cha như vậy rồi, khi thấy hàng rào bông bụp cao quá, thì phải cắt cho thấp xuống, để cho thông thoáng, khi có khách tìm nhà mình thì cũng dễ tìm con à!”. Ngẫm nghĩ cho tới bây giờ, đã khôn lớn, tôi mới hiểu hết ý nghĩa câu nói ấy của cha. Và phải công nhận là cha tôi khéo tay lắm, chỉ một loáng thôi là hàng rào nhà tôi đã đều tăm tắp.
Chớm hè, những bông hoa đỏ tươi là điểm nhấn ấn tượng trên hàng rào bông bụp xanh mơn mởn, nhìn thích mắt lắm. Khung cảnh đẹp như tranh ấy ở quê khiến tôi không thể nào quên. Nhớ lại thuở ấu thơ nhiều kỉ niệm, ngày ấy ở xóm tôi đứa trẻ nào mà không bị cha mẹ bắt đi ngủ trưa chứ? Nhưng cái tính mê chơi bên hàng rào bông bụt xanh mát luôn cuốn hút bọn trẻ chúng tôi, đứa nào đứa ấy rình đợi cha mẹ đi ruộng là lẻn ra hàng rào bông bụp, giả tiếng mèo kêu ra hiệu cho mấy đứa bạn nhà bên tụ tập rất nhanh. Những lá dâm bụt được hái giả làm tiền, còn những bông dâm bụt đỏ chói được mấy đứa con gái dùng làm vòng đeo cổ, hay chế nguyên liệu để chơi trò chơi nấu ăn.
Đâu chỉ vậy, không hiểu sao những đứa con gái khéo tay nhẹ nhàng kéo sợi chỉ từ nhụy của bông ra rồi biến những bông hoa thành những cái lồng đèn rực đỏ lung linh... Chỉ những trò chơi ấy thôi mà trong buổi trưa hè luôn đầy ắp tiếng nói cười rộn rã, mang theo những mơ mộng của bọn trẻ con hồn nhiên, ngây thơ, nhưng không bao giờ quên được.
Bông bụp đỏ tươi, lung linh trong nắng hè. (Ảnh: Nhất Huỳnh).
Ngày chị tôi đi lấy chồng, hàng dâm bụt lại chứng kiến cảnh mẹ khóc thầm trong nước mắt buồn vui. Khi đó, cùng là những ngày hè, hàng bông bụt đỏ chói những bông hoa. Bên đàng trai vừa rước dâu ra khỏi cổng nhà, chị Hai quay lại nhìn cha và đứa em thân thương đang vẫy tay chào, còn mẹ không ra tiễn mà đứng nép vào hàng rào dâm bụt để nhìn theo chị mà nghẹn ngào xúc động.
Giờ đây, cuộc sống với biết bao thay đổi, hàng xóm láng giềng đã thay hàng rào bông bụp thuở nào thành hàng rào “cao tường kín cổng”. Thế nhưng cha tôi vẫn chăm chút cho hàng rào bông bụt vì muốn giữ lại mảng xanh mát thân thương. Dù ai có khuyên, có nói thế nào cha tôi cũng quyết không phá bỏ hàng rào bông bụt này, vì có ai hiểu, đó là "báu vật" của nhà, có từ hồi nội còn sống để lại. Những buổi chiều gió mát rượi, cha cùng mấy chú hàng xóm ngồi bàn trà cạnh hàng rào bông bụt đàm đạo, ngắm hoa, rồi cao hứng ngâm bài “Hoa mộc cận” của Nguyễn Trãi:
“Ánh nước hoa in một đóa hồng/Vết nhơ chẳng bén, bụt là lòng
Chiều mai nở chiều hôm rụng/ Sự lạ cho hay tuyệt sắc không”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét