Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

QUỐC LỘ 40 B QUẢNG NAM - KONTUM.

Đẹp kỳ thú thác nước 5 tầng

authorBài, ảnh: Quốc Tuấn  
Sự kiện: Du lịch Việt

(D V) Nằm bên quốc lộ 40B chạy từ Quảng Nam lên Kon Tum, con thác 5 tầng ngày đêm róc rách nước chảy, tạo thành một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú mà ai đi ngang qua cũng phải trầm trồ dừng chân chiêm ngưỡng.

             Thác nước 5 tầng thuộc địa phận xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My, một khu vực hẻo lánh tiếp giáp với núi rừng hùng vĩ của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Quốc lộ 40B dù đã được nâng cấp trải nhựa để thuận tiện giao thương nhưng vẫn quanh co, khúc khuỷu tạo nên sự hoang sơ và cuốn hút sự đam mê phượt của du khách.
             Thác nước 5 tầng là con thác nổi bật trong hàng chục con thác nguyên sơ ở núi rừng Trà My mà vùng hạ lưu khó có thể sở hữu. Trước đây nó thường được gọi là thác 3 tầng nhưng càng về sau người ta thấy rằng thực ra nó có tới 5 tầng và không biết từ lúc nào nó đã được mặc định với cái tên trên.
             Do nằm sâu trong đại ngàn nên con thác vẫn còn rất ít lượt khách biết đến. Cũng vì thế mà dòng nước ở đây trong vắt và chảy réo rắt đẹp tựa bức tranh thủy mặc. Không khí xung quanh nơi đây trong lành và bình yên đến lạ, thấp thoáng xa xa vài nóc nhà của bà con dân tộc Ca dong nằm rải rác lưng chừng núi khiến du khách cảm thấy xao xuyến đến nao lòng.
Dưới đây là những hình ảnh đẹp được ghi lại về thác nước 5 tầng.
dep ky thu thac nuoc 5 tang hinh anh 1
Những cung đường uốn lượn khi đến với thác 5 tầng.
dep ky thu thac nuoc 5 tang hinh anh 2
Bắc qua con thác có một cây cầu mang tên chính con thác.
dep ky thu thac nuoc 5 tang hinh anh 3

dep ky thu thac nuoc 5 tang hinh anh 4


dep ky thu thac nuoc 5 tang hinh anh 6Vẻ đẹp của con thác.
dep ky thu thac nuoc 5 tang hinh anh 7
Phượt thủ chụp hình kỷ niệm bên con thác.

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015



Có ai về lại con ngõ xưa?
Bài, ảnh: Bùi Việt Phương 
Sự kiện: Hương quê
(D V) Con ngõ xưa vắng lặng, chỉ có tiếng rì rào của cây lá hai bên đường cùng những bức tường rêu hoen, lá vàng rơi đầy ngõ và vẳng lên tiếng gà trưa...
Trở về quê hương, nơi thị trấn nhỏ nằm bên dãy núi, cảnh vật đã nhiều thay đổi. Thay cho con đường đất lỗ chỗ những ổ gà là lớp bê tông dày, thay cho mái ngói đỏ au là những ngôi nhà cao tầng trong nắng mới. Nhưng có lẽ, điều thú vị nhất gợi về trong tôi bao kỷ niệm là con ngõ xưa cũ kĩ của một thời vẫn nguyên dấu rêu phong.
        Ngày xưa hàng rào nhà rất  đơn giản nhưng công phu bởi tính nghệ thuật mà yên bình .

Ngày bé, chúng tôi vẫn thường cùng bạn bè chạy nhảy, vui đùa trong con ngõ ấy. Không có không gian thiên nhiên khoáng đạt như ở những vùng quê, con ngõ giữa phố xá trở thành một không gian tuổi thơ của lũ trẻ. Những trận bóng đá bằng trái banh nhựa trên chiếc “sân” dài ngoằn ngoèo như còn vang đâu đây những tiếng cười hồn nhiên. Những cô bé tóc vàng hoe dưới nắng mải chơi nhảy dây, chơi trốn tìm, đuổi bắt… Tiếng những chiếc xe đạp chuông đổ leng keng hòa cùng tiếng lách cách của chiếc cạp lồng nhôm khi người đi làm ca trở về. Ôi tất cả như còn văng vẳng đâu đây như chỉ vừa mới ngày hôm qua.
Dường như con người ta sống ở mảnh đất nào cũng thành quen, những gì gắn bó cũng trở thành quê hương thứ hai của mình. Chẳng có ai ở khu nhà tôi là người gốc ở đây, cuộc sống ngụ cư dần bám rễ mà biến những gì tạm bợ thành máu thịt. Những căn nhà nhỏ, thấp bé, che trở một tổ ấm bên trong, rồi tất cả lại về qua con ngõ, gặp nhau nói cười, hỏi han như người cùng làng, cùng xóm.
Con ngõ xưa, ai còn trở lại, chỉ thấy bóng mặt trời dần khuất sau những lô nhà, những bóng dáng tuổi thơ đã mất hút sau con ngõ ấy để một mai trở về với mái tóc pha sương. Có một chút gì rưng rưng trong khóe mắt, gần lắm mà xa xôi. Tất cả như vừa mới đây thôi mà đã tuột khỏi tay mình. Chỉ còn lại con ngõ xưa vắng vẻ mà đầy ắp yêu thương.

                                                                                        LTKh sưu tầm

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

rượu cần Tây Nguyên

Vương vấn hương rượu cần Tây Nguyên

authorBài, ảnh: Hoàng Lê  
Sự kiện: Du lịch Việt

(Dân Việt) Uống rượu cần là một sinh hoạt truyền thống mang đậm chất văn hoá của đồng bào Tây Nguyên. Sẽ là thiếu sót khi bạn đến nơi này mà không thưởng thức hương vị của rượu cần - một đặc sản vùng cao nguyên.


   
Đến Tây Nguyên, lần nào tôi cũng cùng với một số người bạn mua vài chum rượu cần để mang về làm quà. Gần như, những ai thưởng thức mùi vị của loại rượu này đều tấm tắc khen ngon bởi hương vị của nó rất đặc biệt, có thể gọi là “có một không hai”.
Đồng bào Tây Nguyên từ lâu đã xem rượu cần là một nét đẹp trong văn hoá giao tiếp. Bởi uống rượu cần vào con người mới thăng hoa, âm nhạc mới bốc đến độ cao trào, mọi khả năng nghệ thuật mới được biểu hiện đến mức tuôn chảy tự nhiên. Song cái biểu hiện để nhận biết nhất ở rượu cần là sợi dây gắn kết từng cá nhân với cộng đồng. Thông qua đó mọi người hiểu biết nhau hơn, xích lại gần nhau, đoàn kết vượt qua mọi thử thách.
vuong van huong ruou can tay nguyen hinh anh 1
Du khách giao lưu, thưởng thức rượu cần. (ảnh: Hoàng Lê)
Theo chia sẻ của một số vị cao niên, mỗi khi gia đình có việc, không cần mời mọc mà chỉ cần một tín hiệu như tiếng tù và hoặc hồi chiêng, trống thì cả làng đều có mặt, cùng góp rượu và vật chất để chia sẻ niềm vui, hay những khó khăn, mất mát, đau thương. Rượu cần đã gắn bó với các dân tộc Tây Nguyên qua bao thăng trầm của lịch sử. Cũng vì những giá trị đó, rượu cần đối với con người Tây Nguyên có giá trị thiêng liêng, nâng tầm văn hoá trong đời sống ở nơi này.
vuong van huong ruou can tay nguyen hinh anh 2
Rượu cần là một đặc sản của đồng bào Tây Nguyên. (ảnh: Hoàng Lê)
Để có được chum rượu cần tuyệt diệu cần phải có gạo, ngô, khoai, sắn, chuối, dứa, các loại củ, quả, vỏ trấu và chum đựng. Cách làm phổ thông và đơn giản nhất là dùng gạo tẻ hoặc nếp đãi sạch, ngâm nước lã hoặc nước ấm. Đổ ra rá, dội nước lạnh cho sạch, trộn đều vỏ trấu, đồ chín kỹ rồi đổ ra mẹt để nguội, trộn đều men, theo tỷ lệ một gạo hai trấu (1 kg gạo, 2 kg trấu), 0,5 lạng men (không kể một số loại men mạnh bằng lá tươi). Ủ kỹ bằng lá (hoặc ni lông thật kín) từ 5-7 ngày đến khi dậy mùi thơm, đem đổ vào chum (hoặc hũ) bịt thật kín (dùng tro bếp sạch, hoà nước đặc sền sệt đắp kín, chặt miệng chum) để ở nơi khô ráo, sạch sẽ mười ngày sau thì đem uống.
vuong van huong ruou can tay nguyen hinh anh 3
Hương vị rượu cần lan toả khắp các vùng miền. (ảnh: Hoàng Lê)
Những người thợ nấu rượu ở đây còn cho biết thêm rằng, bí quyết để làm nên hương vị rượu cần đặc trưng của Tây Nguyên là ở chất gây men. Chất gây men được làm từ lá rừng và thường được giữ kín, không tiết lộ cho người ngoài sắc tộc. Về cách chế biến thật đơn giản nhưng độc đáo: Men và tinh bột được trộn đều, bên trong phủ lớp trấu dùng để ủ. Sau đó, thay vì mang đi chưng cất bằng nhiệt như các loại rượu thường, người ta đem chôn sâu xuống đất đúng 100 ngày. Dĩ nhiên, thời gian chôn càng lâu rượu càng thơm ngon, quyến rũ. Ðiểm nữa, trước khi uống phải đổ đầy nước suối vào với mục đích hòa tan chất cồn trong nước đầu tiên này gọi là nước cốt. Nước cốt màu vàng sánh, có mùi hương lan tỏa tuyệt vời hết sức đặc trưng.
Rượu cần độc đáo không chỉ vì mùi vị tuyệt hảo mà còn độc đáo trong cách thưởng thức. Có thể nói, đây là loại rượu duy nhất không uống bằng ly mà được người dùng bằng cách hút cần. Rượu cần không phải là thức uống giải sầu, cũng không phải dùng để nhậu nhẹt, đánh chén. Vì thế, người ta thường uống rượu cần rồi hoà cùng những điệu nhảy, điệu múa, là ánh mắt, lời ca trong tiếng cồng chiêng và tiếng suối reo.
Qua chum rượu cần, người ta xích lại gần nhau hơn, thương yêu đùm bọc nhau hơn. Ðiều này có thể giải thích lý do vì sao càng ngày càng có nhiều du khách ngoại quốc tìm đến rượu cần như là một sản phẩm văn hóa đầy sức hấp dẫn của rừng núi Việt Nam.

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Trò chơi quanh đống rơm

authorMinh Khuyên  
Sự kiện: Hương quê

(D V) Mấy đứa nhỏ hơn thì rượt đuổi, rồi vật nhau ngã lăn ngay dưới chân những đống rơm đó. Rơm thơm mùa gặt mới như hút hồn những đứa trẻ. Bởi vậy, ngày này qua ngày khác, hầu như không chiều nào bên những cây rơm mới lại vắng bóng trẻ trong xóm nô đùa.

   
Bước vào mùa đông, những cơn mưa đã dứt, ruộng lúa cũng bắt đầu trổ bông, ngâm sữa rồi chín vàng. Đó đây, người dân bắt đầu vào vụ gặt, đập.
Ngày xưa, ở miền Tây Nam bộ, nông dân làm lúa mùa, mỗi năm một vụ, tháng mười một, tháng chạp là đã có lúa chín đem về sân. Trâu đạp, người đập để ra lúa hột. Lúa đóng cho chủ điền xong, còn lại thì ví bồ để ăn cho đến vụ mùa mới. Nhìn cây rơm cao hay thấp, người nông dân có thể đoán biết chủ nhà đó năm ấy ruộng trúng hoặc thất mùa.
Rơm thơm mùa gặt mới được người dân quê tận dụng chất thành cây ở ngay phía sau hè, ngoài sân vườn, bên gốc cây. Nhà nào có nuôi trâu, bò thì đây coi như là nguồn thức ăn dự trữ cho chúng trong những ngày nắng hạn khan hiếm cỏ tươi. Rơm cũng có thể là chất đốt quan trọng để các bà, các mẹ chụm những nồi cơm gạo mới.

Cây rơm sau nhà (ảnh:  Sưu tầm)
Và cũng từ cây rơm thơm mùa gặt mới ấy, chiều chiều đám trẻ con trong xóm tụ tập lại để đùa giỡn. Những em trai bạo dạn thì nhảy từ trên cao xuống trong sự tán thưởng của bạn bè. Những em khác thì sình bao, bắt bồ rồi vẽ ranh, làm mức để u hấp hay trốn tìm. Có em trốn mệt rồi ngủ luôn cho đến khi có bạn kiếm gặp mới chịu thức dậy và … chơi tiếp.
tro choi quanh dong rom hinh anh 2
Đùa giỡn dưới chân đống rơm (ảnh mang tính minh họa; nguồn: Internet)
Mấy đứa nhỏ hơn thì rượt đuổi rồi vật nhau ngã lăn dưới chân những đống rơm. Rơm thơm mùa gặt mới như hút hồn những đứa trẻ ngày xưa ấy. Bởi vậy, ngày này qua ngày khác hầu như không chiều nào dưới những cây rơm thơm mùa gặt mới vắng bóng trẻ con trong xóm.
Một không gian yên bình và tình quê chan chứa đã nuôi dưỡng biết bao tâm hồn trẻ thơ trong xóm tôi. Để rồi những ai đã từng trải qua những ngày tháng cùng đùa giỡn bên nhau, trong một không gian đậm đặc hương vị đồng quê ấy sẽ in mãi kỷ niệm bên mình.
Tình yêu quê hương, tình cảm bạn bè, làng xóm, lòng nhân ái, vị tha góp phần hình thành nên nhân cách con người có lẽ bắt đầu từ những điều tưởng chừng như giản đơn ấy!