Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

Phạm Ngọc Lân : – Chuyện kể cuộc đời một người Việt lai Pháp
. Kontum, sông Dak Bla “nước chảy ngược dòng”
                 Mái tóc Colette tung bay trước gió, vài sợi mỏng mảnh lòa xòa vào mặt Long. Năm 1963 chưa có luật phải đội mũ an toàn khi đi xe hai bánh có gắn máy, và cũng chưa ai nghĩ ra chuyện bịt mặt khi ra đường vì chưa biết ô nhiễm là gì cả! Chạy xe hai bánh ngoài đường hồi đó còn là một thú vui, nhất là với thanh niên nam nữ chở nhau đi chơi.
                 Chiếc Lambretta băng qua cầu Dak Bla chạy ra ngoài thành phố đến vườn bắp ngay gần đấy. Mua bắp non tại vườn về nấu chè bắp, ngon khỏi chê! Người ta nói bắp qua sông sẽ nhạt đi, chẳng biết có đúng không, nhưng đối với chàng thanh niên 19 tuổi lúc này, nhạt hay không nhạt có quan trọng gì khi mà chàng đang cầm tay lái chiếc xe hai bánh, với cô bạn gái ngồi nép phía trước, vì cô bé tinh nghịch muốn tập lái xe Lambretta, dù biết chắc là không thể nào có sức để dựng nổi chiếc xe nặng nề này khi đậu lại!
                  Tháng 7 năm 1963, Long về Kontum nghỉ hè với gia đình. Ông Quy cha dượng của Long sau hai năm ở Phù Cát, rồi hai năm ở Quy Nhơn, năm 1961 phải đổi lên Kontum. Bà Quy lại phải một phen dọn nhà, bà đã quá chán ngán chuyện dọn đồ dọn đạc cực nhọc, chưa kể là câu châm ngôn “ba lần dọn nhà bằng một lần nhà cháy” cũng không quá đáng lắm! Nhưng bà không còn than phiền gì nữa, vì bà bắt đầu cam chịu với số phận của vợ một quân nhân phải tha cả đàn con theo cuộc đời phiêu bạt của chồng. Mà đàn con thì càng ngày càng đông, khi từ giã Đà Lạt có tất cả 8 đứa, ở Phù Cát thêm hai đứa nữa là 10, ra Quy Nhơn thêm đứa nữa là 11. Ngày xưa các cụ cứ nghĩ gia đình đông con là nhà có phúc, nhưng đến thế hệ cha mẹ Long thì đã nghi ngờ nguyên tắc này rồi, dù cũng chẳng biết phải làm gì cụ thể để “kế hoạch hóa gia đình” như sau này.
                  Thật ra ông Quy không phải bị đổi đi đơn vị khác, mà ông chỉ theo đơn vị của mình là Trung đoàn 40 Sư đoàn 22 lên trấn giữ thành phố cao nguyên có tầm quan trọng chiến lược này vì tỉnh Kontum nằm ngay trong vùng gọi là “ba biên giới” giữa Việt Nam, Lào và Cam-Bốt. Đường mòn Hồ Chí Minh dọc dãy Trường Sơn dùng để chuyển binh lính và quân trang quân dụng từ miền Bắc vào trong Nam đi theo biên giới Lào-Việt, đến gần thành phố Kontum quẹo phải dọc theo biên giới Lào – Cam-Bốt, dẫn tới các căn cứ trong địa phận Cam-Bốt. Những căn cứ này được dùng làm hậu phương cho các đơn vị bộ đội miền Bắc xâm nhập vào miền Nam Việt Nam.
                 Những địa danh như Dak Tô, Tân Cảnh, đồi Charlie, sau này sẽ đi vào lịch sử chiến tranh vì những trận đánh ác liệt diễn ra ở những vùng đất này. Tháng 11 năm 1967 là chiến dịch Dak Tô Tân Cảnh kéo dài mấy tuần lễ, một cuộc đụng độ quan trọng với sự tham gia cấp sư đoàn của bộ đội miền Bắc chuyển vào chạm trán với quân đội Hoa Kỳ cùng với quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Sau cuộc đọ sức, cả hai bên đều ca bài chiến thắng vì cả hai bên đều đã giết được một con số lớn binh lính đối phương. Hàng ngàn thanh niên cả hai bên gục ngã trên các ngọn đồi hoang vu, để rồi sau đó những ngọn đồi đẫm máu này lại trở về với thiên nhiên không một bóng người. Đánh nhau không phải để tiến chiếm lãnh thổ, mà chỉ để giết địch.
                Tháng 4 năm 1972, một chiến dịch lớn trong vùng Kontum, đồng thời với Quảng Trị và An Lộc, lần này không còn lục quân Hoa Kỳ tham chiến nữa, nhưng không quân Hoa Kỳ vẫn còn yểm trợ các trận đánh cũng ác liệt không kém năm 1967. Quân miền Bắc tiến chiếm vùng Dak Tô Tân Cảnh và đánh thẳng vào thành phố Kontum, có lúc đã chiếm một phần của thành phố, nhưng cuối cùng đã phải rút khỏi thành phố trước sức phản công mãnh liệt của quân miền Nam. Chính tại thời điểm này mà địa danh “Charlie” được biết đến qua bản nhạc nổi tiếng của Trần Thiện Thanh “Người ở lại Charlie” tôn vinh sĩ quan chỉ huy trưởng đơn vị Nhảy dù đã bỏ mình trên ngọn đồi Charlie án ngữ vùng Dak Tô này. Charlie chỉ là tên được đặt ra trong trận chiến để chỉ một ngọn đồi, theo thứ tự A, B, C (như Alpha, Bravo, Charlie...) cho dễ nhớ. Nếu không có bài hát thì sau trận chiến sẽ không còn ai biết đến Charlie ở chỗ nào, có chăng cái tên này chỉ còn nằm trong ký ức của những người lính từng vào sinh ra tử ở đấy.
               Nhưng đó là chuyện sau này. Năm 1963 chưa có những trận đánh lớn trong vùng nên cuộc sống ở thành phố Kontum thật thanh bình, nhất là đối với Long chỉ về đây nghỉ hè sau thời gian bù đầu với học hành và cuộc sống hối hả ở Sài Gòn. Thành phố bé xíu, nhỏ nhất trong ba thành phố cao nguyên là Ban Mê Thuột, Pleiku và Kontum. Pleiku nổi tiếng với câu “đi dăm phút đã về chốn cũ...” trong một bài hát, mà Kontum còn nhỏ hơn Pleiku nhiều! Nhỏ xíu và thật dễ thương. Và khác với hai thành phố kia đất đỏ, Kontum đất cát trắng nên không có cảnh “bụi đỏ phủ kín màu xanh lá” như Ban Mê Thuột và Pleiku.
 

             Thành phố nhỏ nhưng có từ lâu đời, từ thời Pháp thuộc đã có tòa Giám mục, có Đại chủng viện, và có một nhà thờ gỗ rất đẹp vẫn còn tồn tại đến bây giờ.
             Về đây Long gặp lại H., một bạn học ở trường Adran Đà Lạt trước kia và bây giờ cùng sống trong cư xá Đắc Lộ Sài Gòn. Gia đình H. sinh sống lâu đời ở Kontum, nhưng vì từ nhỏ H. đi học xa như Long nên cũng không có bạn trong tỉnh này. Hai tên gặp nhau mừng quá, ngày nào cũng hẹn đi chơi chỗ này chỗ nọ. Và chính H. là người đưa Long đến nhà Colette giới thiệu với hai chị em học nội trú trường bà sơ Franciscaines ở Đà Lạt, cũng chỉ về Kontum nghỉ hè. Ba của hai cô này là một sĩ quan cùng đơn vị với cha dượng của Long, và cũng có hai dòng máu Pháp Việt như Long. Ông có đầu óc theo Tây học nên không cấm đoán việc hai cô con gái mình giao du với hai chàng trai cùng chung hoàn cảnh là ở xa về không có bạn bè tại chỗ. Ông cũng biết rằng cuộc giao du giữa mấy đứa trẻ mới lớn rất hồn nhiên, vì cùng chịu ảnh hưởng của lối sống Tây u, không e dè, cũng không có hậu ý.
Long và H. thường xuyên đến nhà Colette chơi. Thường là nghe nhạc rồi tập đàn hát theo. Lúc đó cả hai tên con trai đều mới tập tễnh biết từng tưng trên cây tây ban cầm cũ kỹ, cũng ráng đệm đàn cho cả đám hát. Long còn nhớ mãi những bài ướt át như Nửa Đêm Ngoài Phố, Hai Lối Mộng, Chiều Cuối Tuần.
.. rất được ưa chuộng trong các quán cà phê tỉnh lẻ thời đó, ban đêm nghe văng vẳng giọng Thanh Thúy trong thành phố Kontum đìu hiu buồn, mới thấy thật thấm thía! Ngược lại là những bản nhạc Pháp của ca sĩ trẻ “yé-yé” rất thịnh hành bên Pháp thời đó, cũng lan qua giới trẻ ở các thành phố miền Nam. Phải kể đến những ca sĩ như Françoise Hardy (“Tous les garçons et les fillesii” do chính cô sáng tác và thu đĩa năm 18 tuổi), Sylvie Vartan (“Tous les copains”), Richard Anthony (“J’entends siffler le train”) Adamo (“Tombe la neigeiii”)...
 

                  Lâu lâu cả bọn rủ nhau đi ra ngoài phạm vi thành phố, đến các bản làng của người thiểu số, vùng này nhiều nhất là người Ba-na
                   Kontum đặc biệt có sông Dak Bla “nước chảy ngược dòngii” uốn khúc bao bọc hai phía đông và nam thành phố, chỉ cần đi ra khỏi Kontum vài cây số là đã có cảnh thiên nhiên hữu tình. Đặc biệt có một nơi có bãi cát ven sông nước trong suốt, tắm rất thích, có tên từ thời Pháp là bãi “Paradis” có nghĩa là “Thiên đường”.
                    Người Ba-na là một trong số 54 dân tộc tại Việt Nam, sinh sống trên vùng Gia Lai Kontum là chính, dân số trên hai trăm ngàn người. Ở mỗi làng có một nhà công cộng là "nhà rông" cao lớn, đứng nổi bật giữa làng. Một nhân vật nổi tiếng người Ba- na là ca sĩ Siu Black được giới mộ điệu âm nhạc biết đến từ thập niên 90.
                  Từ Pleiku đi theo quốc lộ 14 về phía bắc phải qua cầu Dak Bla để vào thành phố Kontum. Có câu “Sông Dak Bla nước chảy ngược dòng” vì nước chảy về phía tây. Đa số các con sông của Việt Nam đều chảy ra biển Đông, tức là phía đông. Sông Dak Bla không chảy ra biển mà chảy ngược lại vào đất liền, nên mới có câu “chảy ngược”. Thành phố Kontum nằm trên cao, con sông Dak Bla chảy về phía tây, đổ vào con sông Sesan, rồi con sông này đổ vào sông Mekong bên Cam-Bốt.

                   Long chỉ có chiếc xe đạp, nhưng khi cần thì chàng mượn xe Lambretta của cha dượng. Ông Quy cũng rất “chịu chơi” với Long, sáng Long chở ông đến nơi làm việc rồi lấy xe đi chơi, chiều đến đón ông về.
                      Một lần có xe Lambretta, Colette đòi tập lái nên mới có cảnh Long ngồi sau phải vòng tay ra phía trước giữ tay lái cho chắc ăn. Trong thành phố Kontum nhỏ bé vào thập niên 60 này, đây là một cảnh “trêu ngươi” trong một xã hội thấm nhuần nguyên tắc “nam nữ thụ thụ bất thân” của Khổng Mạnh! Nhưng hai bạn trẻ này chẳng đếm xỉa gì đến dư luận dèm pha, vì dù sao thành phố này cũng chỉ là nơi nghỉ hè thoáng qua, chẳng sống lâu dài để phải sợ dư luận.
                    Long với bản chất lãng mạn tự nhiên, nên cũng thầm kín có tình cảm đặc biệt với người bạn gái, nhưng trong cách giáo dục mà chàng được hấp thụ, và với bản tính nhút nhát, chàng không khi nào vượt quá ranh giới của quan hệ bạn bè, mà tự hài lòng với câu “và như thế tôi sống vui từng ngày” trong một bài hát nổi tiếng sau này

. Rồi cũng đến lúc phải chia tay mỗi người một ngả, mang theo kỷ niệm êm đềm của những ngày vui đùa thảnh thơi của tuổi trẻ vô tư lự. Dòng thời gian cứ thế cuốn đi những mảnh đời đã có lúc tụ lại với nhau vui đùa, để rồi chẳng còn khi nào gặp lại nhau nữa.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét